Nếu như những món ăn ở miền Bắc nhạt thanh, miền Trung đậm đà, thì ẩm thực miền Nam lại đem đến một sự kết hợp hài hòa từ đủ hương vị ngọt, béo, tươi, mát.
Cơm tấm Sài Gòn
Món ăn đầu tiên phải kể đến trong ẩm thực miền Nam chính là món cơm tấm Sài Gòn. Món ăn này dường như được xem là linh hồn của ẩm thực Sài Gòn bởi người nơi này có thể ăn cơm tấm sáng trưa chiều tối.
Thêm nữa, quán cơm tấm ở Sài Gòn nó có rất nhiều, bất kể là cao cấp hay bình dân, máy lạnh hay quạt máy, vỉa hè lụp xụp hay quán xá khang trang… lúc nào cũng tấp nập thực khách ra vào.
Cơm tấm sườn, bì, chả (Nguồn hình ảnh: Cơm Niêu Sài Gòn)
Trước đây, cơm tấm Sài Gòn chỉ có 3 thứ là sườn, bì, chả, hoặc sang lắm thì có thêm trứng ốp-la chiên. Nhưng giờ đây món cơm này đã được biến tấu để thỏa mọi khẩu vị của thực khách với đủ mọi lựa chọn: sườn, bì, chả, mắm chưng, xíu mại, lạp xưởng, đùi gà,...
Nhưng nói đến cơm tấm thì người ta nhớ trước hết là miếng sườn nướng. Miếng sườn phải mỏng, vừa có thịt, xương và cả mỡ. Những quán nổi tiếng đều có bí quyết ướp sườn riêng để cho phẩn thịt khi ăn có vị đậm đà, dẻo thơm còn phần mỡ thì giòn tan, ăn không biết ngán.
Hạt gạo tấm thơm ngon kết hợp món ăn kèm là sự kết hợp hoàn hảo (Nguồn hình ảnh: Cơm Niêu Sài Gòn)
Bên cạnh đó, do gạo tấm nấu thành cơm vốn khô nên người ta thường chan ít mỡ hành cho hạt cơm mềm dễ nuốt. Nhưng chính nhờ có chút mỡ hành tươi xanh bắt mắt cùng tép mỡ giòn tan lại là điều tạo nên sự đặc biệt cho món cơm này.
Đặc biệt, một đĩa cơm tấm ngon ngoài thức ăn thì còn phải có chén nước mắm và đồ chua kèm theo. Nước mắm ăn cơm tấm được làm ngọt và thiệt keo lại rồi cho thêm ít ớt xay, còn đồ chua để ăn kèm thường là cà rốt và củ cải trắng bào sợi ngâm giấm đường, chua chua ngọt ngọt để thực khách khi ăn không bị ngán.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Nhắc đến ẩm thực Nam bộ mà không nhắc đến món hủ tiếu, đặc biệt là hủ tiếu Mỹ Tho thì quả là một điều thiếu sót. Khi đến Mỹ Tho, bạn sẽ thấy rất nhiều hàng quán vùng Cầu Quay đến vườn hoa Lạc Hồng tuy tuềnh toàng nhưng lại cực kỳ đông khách.
Để làm nên hương vị riêng cho hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng là nhờ sự hoàn thiện từ khâu chọn bột gạo làm ra cọng bánh đến nồi nước lèo được chế biến kỳ công. Nhưng yếu tố quan trọng nhất của món ăn này chính là ở nồi nước lèo. Nước lèo phải có vị ngọt được tạo nên từ xương ống hầm kỹ, thịt và khô mực nướng cùng một số nguyên liệu và gia vị đặc trưng.
Hủ tiếu Mỹ Tho (Nguồn hình ảnh: gody)
Một tô hủ tiếu đầy đủ gồm có hủ tiếu được trụng nước sôi vừa mềm thì trút ngay vào chiếc tô, cùng với rất nhiều nguyên liệu khác như giá, hẹ, sườn hoặc giò heo, bao tử, gan, mực non nướng, củ cải trắng, hành phi, củ hành tươi, cải bắc thảo, tiêu và sau cùng thì tưới lên một muôi nước lèo.
Trước đây, hủ tiếu Mỹ Tho ngoài thịt, lòng non còn có con tôm chẻ đôi bày lên mặt tô trông rất bắt mắt, còn giờ đây một số quán đã thay tôm bằng miếng sườn hay cặp trứng cút. Hủ tiếu phải ăn nóng mới ngon, khi ắn bạn có thể bỏ thêm gia vị như xì dầu, chanh, tiêu, ớt... hoặc xin thêm nước lèo, giá, rau hoàn toàn miễn phí nếu có nhu cầu.
Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là một món ăn dân dã đặc trưng cho miền Nam Bộ Việt Nam gắn liền với quá trình khai hóa đất phương Nam của dân tộc Việt. Đặc điểm của món cá lóc nướng trui dân dã là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị.
Cá lóc vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, được xuyên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, sau vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn.
Cá lóc nướng trui (Nguồn hình ảnh: ngonaz)
Nhưng điều đặc biệt là vật liệu thui cá nhất định phải là rơm thì thịt cá mới thơm và không bị hôi khói. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng thơm phức. Xẻ dọc cá lấy bộ lòng, cho vào bát nước mắm tỏi, me, ớt đển làm nước chấm, tất cả đem đến một hương vị đồng quê khó mà cưỡng lại được.
Lẩu mắm
Mảnh đất miền Tây sông nước được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho tôm cá đầy sông, cây trái trĩu cành. Mỗi mùa nước lũ ghé thăm, phù sa bồi đắp hằng hà các loại cá, cá chim, cá linh, cá sặc, cá rô,…
Sự dung hoà ấy đã giúp người dân nơi đây sáng tạo ra một biến thể từ cá độc đáo, đó là mắm. Và từ mắm có thể chế biến thành nhiều món ăn phong phú, mà trong đó lẩu mắm được xem là linh hồn của ẩm thực miền Nam.
Lẩu mắm là món ăn bắt nguồn từ Cần Thơ nhưng nguyên liệu chính là mắm cá sặc hay mắm cá linh ngon nhất của vùng Châu Đốc, thiên đường của những món mắm đồng. Phần nước dùng ngọt ngào được ninh từ xương heo hay vị thanh mát của dừa tươi là nền tảng của một phần lẩu ngon.
Lẩu mắm (Nguồn hình ảnh: foodpanda)
Sau đó, mắm cá sẽ được pha loãng và cho vào hầm cùng phần nước súp với độ lửa thích hợp tạo nên bản hoà ca nhịp nhàng của vị mắm đặc trưng. Tuỳ vào người thợ mà có công thức nêm nếm sau cho hài hoà, nước dùng cần đậm đà vừa phải để không lấn át đi cái chất riêng của mắm.
Bạn có thể thoả thích kết hợp với vô số thực phẩm khác như thịt ba rọi, cá basa, cá tra hay những con tép, con tôm sần sật vị ngọt tự nhiên và những loại rau lục hay bông điên điển, bông súng, bông bí, cù nèo, rau đắng, rau nhút, bắp chuối,… Một nồi lẩu tuy bình dị nhưng lại chan hoà đầy đủ tầng tầng lớp lớp màu sắc thật sống động.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Người dân Tây Ninh thường bảo với nhau là về Tây Ninh mà chưa ăn món bánh tráng phơi sương thì chưa biết Tây Ninh, bởi vì đây được xem là một món ăn nổi tiếng của vùng đất này, không những thế món ăn này còn được nhiều tỉnh thành biết đến trên cả nước. Bánh tráng phơi sương có một hương vị rất riêng cho món cuốn phổ biến ở khu vực Nam Bộ.
Để làm ra được một chiếc bánh phơi sương chất lượng thì tất cả các khâu từ việc lựa chọn nguyên liệu đến khi tráng bánh và đem phơi đều được làm một cách tỉ mỉ và cẩn thận.
Bánh tráng Trảng Bàng (Nguồn hình ảnh: zingnews)
Đặc biệt, sau khi bánh nướng xong thì sẽ được đem đi phơi sương và vào thời điểm tờ mờ sáng khi những chiếc bánh đủ độ ẩm và mềm thì những người làng nghề sẽ đi thu gom lại.
Những lá bánh tráng đẫm sương Trảng Bàng bình dị thường được ăn kèm với thịt hoặc cá lóc nướng, cá lóc hấp... cùng với đó là các loại rau có vị chát chát, chua chua như lộc vừng, trâm ối, sơn máu, rau mặt trăng, chùm mòi hay bứa, dưa leo xắt dài, củ kiệu chua ngọt, giá sống góp phần làm nên hương vị rất riêng. Trong khung cảnh thân mật, chấm nước mắm pha chua ngọt, thưởng thức hương vị đồng quê vô cùng dân dã và khó quên.
Lẩu cá đuối
Không chỉ có những bãi biển đẹp cùng với những địa điểm check in sống ảo cực chất, mà Vũng Tàu còn có rất nhiều món ăn hấp dẫn, trong số đó không thể bỏ qua món lẩu cá đuối.
Món lẩu này được nấu từ loài cá đuối không xương. Sau khi được chế biến, làm sạch, người đầu bếp sẽ đem chúng đi tẩm ướp gia vị rồi bày lên đĩa trông rất bắt mắt cùng với nồi lẩu nghi ngút khói khiến cho du khách chỉ mới nhìn thấy thôi là đã thấy đói bụng rồi.
Lẩu cá đuối (Nguồn hình ảnh: jamjavn)
Lẩu cá đuối thường được nấu cùng với măng chua rừng và ăn kèm với rau muống và nhiều loại rau khác. Nhúng từng lát cá đuôi vào nồi nước lẩu đang sôi sùng sục, đến khi miếng cá chín đều, săn lại đem chấm với nước mắm đậm đà, chút vị cay của ớt ăn cùng với những ngọn rau xanh vừa chín tới, váng đậu béo ngậy, vàng thơm và vài sợi bún thì quả thật là tuyệt vời.
Bánh canh Trảng Bàng
Từ một gánh bánh canh đơn sở người phụ nữ Tây Ninh hàng chục năm về trước, bánh canh Trảng Bàng ngày nay đã trở thành đặc sản Tây Ninh và là nét đặc sắc làm nên nền ẩm thực độc đáo của miền Đông Nam Bộ.
Bánh canh Trảng Bàng nghe quen mà lạ, bởi bát bánh canh dung dị là món ăn không thể thiếu đối với ẩm thực miền Trung Nam Bộ Việt Nam, nhưng điều đặc biệt ở đây là bánh canh Trảng Bàng dường như phức tạp hơn, phong vị cũng khác biệt hơn so với những món bánh canh khác.
Bánh canh Trảng Bàng (Nguồn hình ảnh: zingnews)
Nồi nước dùng phải được hầm từ giò và thịt mới hơn một giờ đồng hồ. Trong quá trình hầm nước lèo, không thể quên khâu vớt bọt cẩn thận để đảm bảo một nồi nước lèo thơm ngọt và trong vắt.
Bánh canh được bày ra tô cùng khoanh giò heo nạc, vài miếng tiết, rồi nêm nếm hành ngò, tiêu, nước mắm. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng bát bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh mang trong mình một sức hấp dẫn khó cưỡng.
Bánh cống
Sở dĩ bánh được gọi tên là “cống” vì chúng hình trụ tròn, trông giống hệt như ống cống. Tuy tên gọi và dáng hình có vẻ bình dân nhưng hương vị của món bánh này rất đặc biệt, thơm ngon đậm đà không kém bất kỳ món ăn vặt nào của xứ Nam Bộ.
Món bánh cống này vốn có nguồn gốc từ người Khmer. Thông thường, bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh và nhân tôm thịt, củ sắn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị giòn rôm rốp của vỏ bánh, vị béo béo bùi của nhân và cả vị thanh mát của những loại rau sống ăn kèm tương tự như món bánh xèo.
Bánh cống (Nguồn hình ảnh: dienmayxanh)
Đây là một món ăn dân dã nên được bày bán ở rất nhiều hàng quán nên bạn có thể tìm thấy chúng dễ dàng, đa phần là những quán ăn bình dân ở nội ô thành phố Cần Thơ và cả các huyện lân cận với giá cũng bình dân chỉ từ 6.000 – 8.000 đồng/bánh, tùy nơi bán.
Bánh xèo
Bánh xèo là món ăn dân dã có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Gốc tích của bánh xèo xuất hiện đầu tiên ở miền Trung vùng đất đầy nắng và gió, sau đó được lan truyền ra nhiều nơi khác trên cả nước. Ở mỗi miền bánh xèo lại được biến tấu theo nhiều cách khác nhau nhưng luôn mang hương vị đậm đà, khó cưỡng lại được.
Bánh xèo có mặt ở miền Tây đã từ rất lâu đời, đến nay đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong những buổi hội hè, vui chơi của người dân nơi đây. Bánh xèo miền Tây mang trong mình những nét rất riêng, cái "hồn cốt" của ẩm thực miền Tây Nam Bộ mà không thể lẫn vào đâu được.
Bánh xèo giòn rụm (Nguồn hình ảnh: Cơm Niêu Sài Gòn)
Nếu như bánh xèo miền Trung được đúc bằng khuôn và thường được ăn kèm với nước mắm chua ngọt, hoặc mắm nêm pha với đậu phộng thơm ngon và béo ngậy, thì bánh xèo ở miền Tây lại có kích thước rất lớn và mỏng hơn nhiều. Đặc điểm này tượng trưng cho lối sống thoải mái, phóng khoáng đặc trưng của người dân miền Tây. Thưởng thức một đĩa bánh xèo ở đây thôi là cũng đủ để bạn cảm thấy no nê quên lối về.
Có thể nói, tất cả các món ăn Nam bộ đều mang phong cách của vùng đất phương Nam vốn rất hoang dã, hào phóng. Chỉ cần những nguyên liệu đơn sơ, có sẵn trong tự nhiên là có thể tạo nên một phong thái riêng cho các món ăn của vùng đất này. Vậy nên nếu có dịp du lịch Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam bộ bạn đừng quên thưởng thức những món ăn hấp dẫn này nhé!
Nguồn: Minh Nguyên (dulichvietnam)