Từ lâu cố đô Huế đã trở thành một kinh đô văn hóa mà khi đến đây, chúng ta thỏa sức khám phá; từ văn hóa, kiến trúc, lịch sử cho đến cảnh vật, nghệ thuật… và dĩ nhiên cũng không thể thiếu ẩm thực. Nếu đã lên kế hoạch cho một chuyến thăm cố đô, vậy bạn đã nghĩ mình sẽ ăn gì ở Huế chưa?
Bánh canh Nam Phổ
Một món ăn rất bình dân, rẻ và ngon, hợp với túi tiền mọi lứa tuổi, đó là món “bánh canh”.
Dù có đi đâu về đâu, người Huế vẫn hết mực tự hào về món ngon nổi danh thiên hạ, lưu danh từ xưa tới nay – bánh canh Nam Phổ và giới thiệu cho bạn phương xa đến thưởng thức món ăn giản dị nhưng tinh tế như chính tâm hồn người Cố đô.
Bánh canh nam khổ - đặc sản chỉ riêng tại Huế (Nguồn hình ảnh: luhanhvietnam)
Bánh canh Nam Phổ là món hàng rong gia truyền của làng Nam Phổ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế), cách trung tâm thành phố chừng 10 km. Không biết món ngon này có từ bao giờ nhưng nhiều gia đình ở làng Nam Phổ đã gắn bó với gánh bánh canh 3 – 4 đời nay. Nhiều chị, nhiều mẹ gánh bán từ thời con gái rồi lại truyền nghề cho con dâu, con gái.
Món ăn bình dị này được chế biến tỉ mỉ, công phu và tốn thời gian. Sợi bánh được nấu từ bột gạo và bột lọc theo tỉ lệ “3 gạo – 1 lọc”. Thay vì được nhồi và cắt lát như các loại bánh canh khác thì bột phải chưng cất thủy. Chưng chín vừa phải rồi đem xuống đánh đều. Cho bột vào túi ni lông sạch rồi ria xuống nồi nước đang sôi. Những người khéo tay sẽ dùng que rồi cho bột chảy theo ý mình. Bột sẽ ra từng con thuôn tròn. Sau đó, vớt ra rá để ráo nước.
Nước lèo nấu bánh canh Nam Phổ được dùng từ nước luộc tôm, cua tươi nên luôn có vị ngọt tự nhiên. Nhân bánh canh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm. Tôm là loại ở đầm, tươi, không tanh, thịt ngọt đậm đà. Tất cả được làm sạch, giã nhuyễn, viên nhỏ và nấu thành hỗn hợp sánh. Tôm kết hợp với thịt ba chỉ tạo nên màu đỏ gạch trông rất bắt mắt và kích thích vị giác. Phải công nhận đây là món chả tôm thơm ngon độc đáo, riêng biệt. Khi bột trong nồi vừa chín tới, bỏ tôm và thịt viên vào. Chờ đến lúc đáy nồi vừa sền sệt thì người nấu phải canh lửa để giữ nóng đủ độ cho món ăn.
Bánh khoái
Bánh khoái là món bánh chiên đặc biệt của cố đô Huế. Cách thực hiện giống món bánh xèo Nam bộ nhưng dạng bánh khác nhau. Bánh khoái hình tròn theo dạng khuôn đổ (loại chảo gang nhỏ, đáy bằng, đường kính độ 15cm, thành chảo cao khoảng 2 – 3cm). Trong khi bánh xèo được đổ thành một lớp mỏng tròn rộng, sau khi chín vàng được gấp đôi lại thành hình bán nguyệt, để phủ nhân bên trong. Bánh được ăn kèm với rau sống và nước chấm hoặc nước mắm chanh, tỏi, ớt pha loãng (bánh xèo).
Bánh khoái (Nguồn hình ảnh: bloganchoi)
Nhân bánh gồm có tôm sông, giò sống, trứng gà, thịt ba chỉ là thứ ai cũng có thể bắt chước; Bột bánh được pha theo tỉ lệ phù hợp để khi tráng bánh vừa giòn, vừa thơm, vừa dẻo. Bánh Khoái ngon còn nhờ bí quyết pha bột và nước lèo được làm từ hơn 10 gia vị: tương đậu nành, đậu phộng, mè, gan, thịt heo, nước ruốc…tạo nên thứ nước chấm sền sệt mà thực khách khi đến với Huế đều không khỏi xuýt xoa về sự khéo léo, tinh tế của người đầu bếp.
Vả trộn
Có một loại cây trái tuy bình dân nhưng rất đặc hữu ở Huế đó là cây vả. Cây vả thuộc họ sung, nhưng có hai khác biệt rõ rệt là lá và trái vả rất lớn so với lá và quả sung.
Trái vả và trái sung hoàn toàn giống nhau về hình dáng cấu tạo: vỏ xanh- thịt trắng-lòng hồng, cho nên người Huế ví von “lòng vả cũng như lòng sung”. Cả sung lẫn vả đều ăn được nhưng vị của sung bị hơi chát, đắng còn vị trái vả thì lại béo, bùi và thơm ngon hơn nhiều.
Vả trộn (Nguồn hình ảnh: mia)
Có lẽ người Huế trồng vả theo “thói quen” nhiều hơn là năng suất và hiệu quả vì cây vả lá to như lá sen, tán rộng, mỗi cây vả chiếm cả chục mét vuông đất vườn, trong khi trái vả lại có rất ít giá trị kinh tế. Ngoài ra cư dân địa phương vẫn cho rằng trồng vả là điềm không may “trồng cây vả là ngã một người“. Tuy vậy ở Huế từ đồng bằng, trung du và ngược lên cả miền núi chúng ta cũng có thể gặp đây đó bóng dáng cây vả.
Cơm hến
Ai đến xứ Huế mộng mơ mà chẳng nhớ nhung những món ăn của Huế. Những món ăn đậm ngọt, bùi thơm, phảng phất sự lãng mạn, nhẹ nhàng, đằm thắm của con người xứ Huế. Chẳng ai đi đến Huế mà không nếm thử bún bò giò heo, bánh bột lọc, bánh canh, chè Hẻm, bánh khoái. Ấy vậy mà có một món ăn, chẳng phải cao lương mĩ vị, chẳng sang trọng bề thế, mà khiến bao trái tim hướng về: Cơm hến.
Cơm hến (Nguồn hình ảnh: Gratitravel)
Cơm hến ngon nhất chỉ có ở Huế. Cơm hến tuy là món ăn dân dã có khắp mọi nơi dù ở thôn xóm hay đường quê, nghèo mà vẫn sang, đậm đà hương vị. Cơm hến được làm từ cơm trắng nấu chín và để nguội. Người ta cho phần thịt hến cùng các phụ gia, thêm tóp mỡ được chiên giòn. Cơm hến có thêm chút mắm ruốc Huế vừa bùi, chát, cay và hăng.
Bún thịt nướng
Mỗi khi đến Huế, du khách thường được giới thiệu món cơm Hến. Tuy nhiên, đằng sau món “vừa hít hà vừa ăn” cay xé lưỡi đó, du khách đều tự tìm đến món ăn béo ngậy nhưng lại mang dư vị ngọt ngào của vùng đất kinh kỳ: bún thịt nướng.
Bún thịt nướng (Nguồn hình ảnh: vnexpress)
Bún thịt nướng không hẳn là món riêng của ẩm thực Huế, tuy nhiên phong vị của bún thịt nướng Huế lại khác hẳn so với các nơi khác. Nó được xem là đặc sản của vùng đất kẻ chợ này.
Bánh ướt thịt nướng
Bánh ướt thịt nướng (Nguồn hình ảnh: vinpearl)
Thoạt nhìn, món bánh ướt thịt nướng hơi giống gỏi cuốn của miền Nam. Nhưng khi thưởng thức, du khách sẽ ngay tức khắc cảm nhận được sự khác biệt giữa hai món ăn này. Bánh ướt thịt nướng bao gồm thịt nướng, rau xà lách cuốn bên trong miếng bánh ướt trắng muốt chấm với nước mắm đậm đà. Du lịch Huế, du khách đừng quên ghé làng Kim Long thưởng thức món ăn hấp dẫn này.
Bánh nậm
Bánh nậm là món ăn dân dã nổi tiếng ở Huế, bởi vị ngon, bùi, không béo và không ngán, rất hợp khẩu vị từ người già đến trẻ nhỏ.
Bánh nậm (Nguồn hình ảnh: nem-vn)
Được làm từ bộp nếp, tôm giã nhỏ rắc phía trên, được bọc trong lá dong hoặc lá chuối rồi hấp chín. Bánh nậm mang một hương vị hòa quyện từ vị lá, từ gạo và nhân tôm thơm ngọt. Màu xanh của lá, màu trắng của bánh và màu đỏ hồng của tôm tạo nên sự hài hòa mãn nhãn.
Bánh lọc
Có thể nói ẩm thực Huế là tập hợp của tất cả các loại bánh, nên bên cạnh bánh nậm như đã giới thiệu phía trên thì một trong những món ngon ở Huế bạn nên thử tiếp theo chính là bánh lọc. Bánh lọc là món ăn bình dân nhưng đồng thời cũng là đặc sản Huế có tiếng của đất Cố Đô.
Bánh lọc (Nguồn hình ảnh: imagevietnam)
Bánh lọc thường có nhiều loại nhân: nhân đậu xanh, nhân tôm thịt, ngày rằm còn có thêm nhân đậu hũ. Qua bàn tay chế biến khéo léo của người làm bánh, bạn có thể cảm nhận được hương vị rất riêng của hai loại bánh đặc sản Huế này – giản dị mà khó quên.
Bún Bò Huế
Bún Bò là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún này phổ biến trên cả ba miền ở Việt Nam và cả người Việt tại hải ngoại. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là “bún bò” hoặc gọi cụ thể hơn là “bún bò giò heo“. Các địa phương khác gọi là “bún bò Huế“, “bún bò gốc Huế” để chỉ xuất xứ của món ăn này. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả và ruốc. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu.
Bún bò đặc biệt tại Cơm Niêu Sài Gòn
Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả cua được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được xắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối xắt nhỏ.
Nguồn: phototravel